Dù nổi tiếng là công ty đi đầu trong đổi mới sáng tạo với các sản phẩm cách mạng, Apple vẫn bị rất nhiều người ghét vì nhiều lý do.
Không phải ai cũng ưa các sản phẩm Apple. Ảnh: Phone Arena. |
Trong nghiên cứu "Thương hiệu tiêu dùng bị tẩy chay: Ghét bất kỳ thứ gì tôi nhìn thấy", Tiến sĩ Triết học S. Umit Kucuk đã thực hiện khảo sát trên 500 người Mỹ và rút ra kết luận: "Các tình nguyện viên đã trả lời tên của 150 thương hiệu đáng ghét khác nhau. Một nửa số thương hiệu đó nằm trong danh sách 30 thương hiệu toàn cầu giá trị nhất năm. Hai thương hiệu được liệt kê nhiều nhất là Apple (12%) và Walmart (9%)".
Trang PhoneArena nêu một vài lý do khiến nhiều người không ưa Apple:
Thương hiệu danh giá
Tiến sĩ Kucuk cho rằng: "Các thương hiệu có giá trị cao nhất thường khó ưa hơn phần còn lại". Điều này cũng giống một đội bóng đứng đầu bảng xếp hạng hay vận động viên liên tục đoạt huy chương nhưng vẫn bị nhóm cổ động viên tẩy chay. Apple đã là công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong nhiều năm và sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo. Tuy nhiên, trên Twitter và Facebook có không ít nhóm được thành lập để chê bai phát kiến của công ty và các "anti-fan" luôn có lý do biện minh cho cảm xúc của mình.
Họ thích Android hơn
Mọi người luôn có sự gắn kết kỳ lạ với thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại di động. Ngày nay, thế giới smartphone đang phân mảnh bởi những người thích thiết bị iOS và người yêu Android. Cộng đồng Android chia thành nhiều nhóm nhỏ như Samsung, Xiaomi, Huawei... Tuy nhiên, khi trông thấy sản phẩm của Apple, việc đầu tiên họ nghĩ tới là phải hợp sức để chống lại kẻ thù chung.
Chiến lược quảng cáo thái quá
Trong các buổi giới thiệu sản phẩm của Apple, công ty luôn nhấn mạnh việc công nghệ sẽ đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn. Apple đã sử dụng mọi công cụ tiếp thị có sẵn và phổ biến như quảng cáo trên trang web để phủ lên các sản phẩm một vầng hào quang thần bí, giúp chúng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, phần lớn người dùng iPhone phổ thông chỉ dùng các chức năng cơ bản nhất như nghe gọi, nhắn tin, lướt Facebook..., tương tự đối với người dùng máy tính Mac. Khi họ nhận ra bản thân đã chi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD, cho một sản phẩm mà lựa chọn thay thế rẻ hơn nhiều thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
Người hâm mộ Apple
Hàng dài người hâm mộ Apple xếp hàng để mua iPhone mới. Ảnh: Phone Arena. |
Trang Phone Arena nhận xét: "Người hâm mộ Apple có một sự tận tâm đến mức sùng bái. Họ luôn ca ngợi bất kỳ sản phẩm nào của công ty, bỏ qua mọi thiếu sót hay yếu tố khách quan". Ví dụ, người dùng trung lập muốn mua smartphone mới và được tín đồ Apple thuyết phục rằng iPhone tuyệt vời như thể sắp được công ty trích hoa hồng thì nhiều khả năng sẽ phản tác dụng.
Hệ điều hành có nhiều giới hạn
Apple thường bị chỉ trích vì đặt ra quá nhiều giới hạn đối với người dùng trên chính thiết bị của họ. Từ việc không thể đặt biểu tượng lối tắt (shortcut) ở nơi mong muốn đến thiếu tính năng gửi tập tin qua Bluetooth... Rất nhiều thứ đơn giản nhưng thiết bị Apple không cho phép thực hiện. Các rào cản đó gây ra ấn tượng xấu cho người dùng có kinh nghiệm vì bị Apple đối xử như thể họ không biết bản thân nên làm gì.
Apple có hành vi đáng ngờ
Người dùng đã không ít lần phàn nàn vì Apple chỉ tặng kèm thiết bị bộ sạc chậm để người dùng chi tiền mua bộ sạc nhanh. Công ty sản xuất iPhone tiêu chuẩn với dung lượng thấp (16 GB) để người dùng phải đầu tư phiên bản cao cấp hơn hoặc mua thêm dung lượng lưu trữ trên iCloud. Đầu năm nay, Apple từng bị tố "bóp" hiệu năng xử lý của CPU để buộc người dùng nâng cấp sớm hơn. Công ty còn kiện các cửa hàng bên thứ ba để độc quyền sửa chữa thiết bị Apple gặp sự cố. Đó là những lý do chính đáng để ghét Apple.
Về cơ bản, Apple là công ty đại chúng và mục tiêu cao quý đến đâu thì vẫn cần tăng trưởng lợi nhuận để công khai với các nhà đầu tư.
Giá sản phẩm Apple quá đắt
Phiên bản Apple Watch với dây gốm trắng có giá lên tới 1.650 USD. Ảnh: Phone Arena |
Các sản phẩm của Apple rất đắt, phần lớn giá trị nằm ở thiết kế bắt mắt. Do đó, người dùng không bao giờ thấy công ty đề cập trong các bài thuyết trình giới thiệu sản phẩm cụm từ "giá rẻ" (cheap), mà chỉ có "giá thấp hơn" (less expensive). Mục tiêu của Apple là sản xuất sản phẩm cao cấp mà người dùng có thể hiểu khi nhìn qua mức giá.
Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng trả nhiều tiền như vậy. Vì thế, một số người ghét Apple thường xuyên dùng từ "quá đắt" (over-priced) khi nói về sản phẩm của công ty. Apple đang hoạt động với tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp smartphone. Công ty sẽ không từ bỏ chiến lược miễn là nhiều người vẫn cảm thấy ổn với chính sách giá hiện tại.
Việt Anh (theo PhoneArena)
Tin liên quan
> Tại sao camera điện thoại thì hình tròn mà lại chụp ra ảnh hình vuông? (09-01-22)
> Đối thủ của iPhone 5s giờ ra sao ? (09-01-22)
> Mạng 5G sẽ khác biệt như thế nào so với 4G? (10-01-22)
> Bộ đôi iPhone 14 'lột xác' sao khiến fan Táo khuyết vô cùng háo hức? (10-01-22)
> Vì sao iPhone 13 Pro Max là chiếc điện thoại có bộ rung đỉnh nhất (15-01-22)