Giống như những smartphone khác, iPhone 13 Pro Max cũng được trang bị bộ rung phản hồi lại các thao tác khi người dùng thực hiện thao tác sử dụng. Tuy nhiên, với Taptic Engine, Apple đã định nghĩa lại bộ rung trên các smartphone của họ.
1. Taptic Engine trên iPhone 13 Pro Max là gì?
Taptic Engine chính là tên gọi bộ rung phản hồi trên iPhone 13 Pro Max. Apple không phải là công ty đầu tiên quan tâm đến phản hồi xúc giác trên các thiết bị của họ. Trước đây cũng có Blackberry Storm sử dụng màn hình nhấn cảm ứng lực và đa số các smartphone Android cũng có rung phản hồi khi chạm vào màn hình. Tuy nhiên để đạt được độ chính xác như Taptic Engine thì chưa có hãng sản xuất nào làm được.
2. Taptic Engine xuất hiện từ khi nào?
Taptic Engine xuất hiện lần đầu trên iPhone 6s để hỗ trợ cho màn hình cảm ứng lực. Mỗi một lực nhấn trên màn hình sẽ được phản hồi lại bởi một độ rung nhẹ và rất thật, đây là điều chỉ có Apple làm được mà chưa có hãng thiết bị nào có thể trang bị cho điện thoại của họ.
Trừ iPad, hầu như các thiết bị của Apple từ MacBook đến iPhone đều có bộ rung Taptic Engine này. Bộ rung này cũng được trang bị trên iPhone 13 Pro Max mới nhất nhằm hỗ trợ cho màn hình cảm ứng Haptic Touch.
3. Cách hoạt động của Taptic Engine
Taptic Engine là một hệ cơ học phức tạp trên iPhone 13 Pro Max, bộ rung này cũng chiếm diện tích rất lớn bên trong máy cho thấy đây là một bộ phận quan trọng mà Apple mong muốn nó hoạt động tốt để tối ưu trải nghiệm khi sử dụng của người dùng. Chi tiết trải nghiệm bài viết sẽ đi sâu ở phần bên dưới, còn bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu cách hoạt động của bộ rung độc đáo này nhé.
Đa số điện thoại Android hiện nay sử dụng mô-tơ rung dao động cộng hưởng tuyến tính (Linear Resonant Actuator – LRA). Trước đó người ta thường dùng mô-tơ rung dạng xoay khối nặng nhưng giờ công nghệ đó đã cũ và kém hiệu quả hơn nên LRA là lựa chọn phổ biến.
Trên iPhone 13 Pro Max, Taptic Engine cũng có mô-tơ rung LRA, tuy nhiên Apple đã trang bị kèm theo một hệ thống nam châm phức tạp và khả năng hoạt động chính xác đến từng mili giây nhờ vào sự tối ưu phần mềm từ hệ điều hành iOS. Không giống như các mô tơ rung thông thường, hệ thống nam châm trên Taptic Engine sẽ rung theo từng nấc mức độ khác nhau tùy vào việc người dùng đang thao tác với nội dung gì trên điện thoại.
Đối với các nhà sản xuất khác, bộ rung chỉ đơn giản là bộ rung, đảm nhiệm một nhiệm vụ duy nhất: rung và rung, ngoài ra không có gì đặc biệt cả. Apple đã điều chỉnh Taptic Engine của họ để nó có thể rung đến tần số cộng hưởng trong thời gian rất ngắn, nhờ vậy mà khi phần mềm ra lệnh thì nó có thể rung ngay và dừng ngay lập tức. Việc này rất quan trọng trong việc trải nghiệm sử dụng mà bài viết sẽ nói thêm ở mục tiếp theo
4. Trải nghiệm khi dùng Taptic Engine trên iPhone 13 Pro Max
Với khả năng dao động trong khoảng thời gian ngắn, bộ rung Taptic Engine trên iPhone 13 Pro Max cho khả năng hoạt động cực kỳ chính xác. Ví dụ bạn bấm và giữ nút giảm âm lượng, hệ thống sẽ rung nhẹ rất ngắn để báo cho người dùng biết đã giảm tối đa âm lượng mà không cần nhìn vào màn hình.
Bộ rung Taptic Engine trên iPhone 13 Pro Max thể hiện ưu thế của nó khi tương tác với phần mềm. Khi bạn vuốt nhanh qua danh bạ, bộ rung sẽ phản hồi cực nhẹ và cực nhanh theo từng nấc hệt như bạn đang vặn bánh răng trên những cỗ máy cơ học vậy. Hoặc khi người dùng bấm vào nút “Like” trên mạng xã hội Facebook hoặc Instagram, hệ thống sẽ phản hồi lại với tần số dao động ngắn hệ như bạn đang bấm vào một nút bấm vật lý vậy.
Trải nghiệm tuyệt vời nhất của bộ rung này trên iPhone 13 Pro Max phải nói đến là khi chơi game, điển hình như trò chơi xếp kẹo Candy Crush Soda Saga, khi người dùng thực hiện thành công một màn nổ kẹo, điện thoại sẽ rung lên theo từng nhịp cho cảm giác cực kỳ chân thật. Đây là điều các smartphone Android sẽ không thể làm được vì không có sự đồng nhất tối ưu phần mềm như Apple. Trải nghiệm rung theo từng chi tiết trên Taptic Engine chỉ xuất hiện trên các thiết bị chơi game cao cấp như Playstation hoặc Xbox.
5. Ý nghĩa của Taptic Engine trên iPhone 13 Pro Max
Trong khi các nhà sản xuất khác thường bỏ qua sự quan trọng của bộ rung – hoặc muốn tối ưu nhưng buộc lòng phải bỏ qua vì không có sự hỗ trợ từ API hệ thống như Apple. Hãng đã đi ngược lại với lối suy nghĩ thông thường khi dành một không gian rất lớn cho bộ rung trên iPhone 13 Pro Max và đồng bộ tính năng rung xuyên suốt hệ điều hành cũng như ứng dụng. Điều này cho thấy Apple rất quan tâm đến trải nghiệm cho người dùng của họ.
Nguồn : copy trên internet